Theo tiếng quê mà về

Admin

TRẦN NHÃ THỤY

TRẦN NHÃ THỤY

TT XUÂN - Đọc cuốn Những bức thư đầm ấm (tập hợp những bức thư Quách Tấn và Nguyễn Hiến Lê gửi cho nhau từ khoảng 1966-1984, từ hai địa chỉ Nha Trang và Sài Gòn), trong một thư của Quách Tấn, gặp một từ mà mình thích quá khiến cứ tủm tỉm một mình. Từ gì vậy? Xin thưa đó là từ ngầy. Ngầy nghĩa là la/mắng. Người nhà quê miền Trung ngày xưa thường ít khi nói la mà nói ngầy.

“Con đi chơi miết, coi chừng má con nó ngầy nghen” - bà nội thường nói với mình như vậy và cứ dặn phải ngoan, chửng chàng (cẩn thận) đừng để bị ngầy. Nội lại nhắc: “Con đừng có lung, má con ngầy, ba con đánh đòn”. Lung tức lì/nghịch. Và còn bao nhiêu tiếng quê khác, nhất thời mình không thể nhớ ra. Giá mà bà ở gần đây để mình chạy về hỏi bà tại sao nói là ngầy, là lung... Nhưng quê nhà xa lắc xa lơ!

Lại chợt tình cờ nghe một tiếng quê. Bữa đó mình ngồi cà phê vỉa hè chờ đón con tan học thì gặp một người phụ nữ đồng hương Quảng Ngãi bán hàng rong, hỏi ra mới biết cô cháu ở hai xã sát nhau, và cô nói một câu khiến mình thấy như được về nhà: “Nhà cháu mà tới nhà cô ngắn chụt chứ có xa xôi gì”. Dạ, đúng là ngắn, là gần. Không chỉ là ngắn mà còn… ngắn chụt, tức ngắn ngủn, gần xịt (gần lắm). Thế đó, giữa Sài Gòn, cái tiếng quê, giọng quê như dắt mình về quê.

Mình nhớ thuở nhỏ, trong một đêm mưa, chợt má thức giấc nói với ba: “Anh cầm đèn ra coi, hình như có ai đụt mưa ngoài giàn mướp, em nghe có tiếng lào xào”. Ba chưa dậy liền mà nói: “Giờ này đã gần sáng, không biết ai mà còn đụt mưa, không chừng là thằng nào đi nhậu về say quá, làm ngã cái giàn mướp thì chết”. Mình buồn ngủ díp mắt, cứ cố mở mắt ra lại chìm vào cơn mơ màng, vừa muốn ra nhìn giàn mướp lại quấn chặt mền hơn. Chặp sau, mình nghe ba nói: “Xửng mưa rồi, để tui ra coi thử”.

Hai chữ “đụt” và “xửng” thì chắc nhiều bạn trẻ còn nghe còn hiểu. Đụt mưa tức trú mưa, xửng mưa tức tạnh mưa. Nhưng bây giờ những tiếng quê đó có ai còn nói? Nói về chuyện cái giàn mướp tuyệt đẹp ngày xưa, mình lại nhớ thêm vài tiếng quê khác nữa. Mình nhớ ba rất tự hào về cái giàn mướp rộng, đẹp và nhiều trái nhất thị trấn, nên dành nhiều thời gian chăm sóc cho nó. Ba thường nói: “Đứa nào mà phá cái giàn mướp là tao… huýnh óc”. Huýnh tức đánh, nhưng huýnh óc không phải là đánh… cái óc, đánh trên đầu. Huýnh óc tức đánh liền, đánh lập tức. Cũng như một chàng trai tới tuổi đi tán gái, thấy nàng nào ưng mắt ưng bụng thì nói: “Con nhỏ này được, tao về nhà nói ổng bả sắm sính lễ… cưới óc”. Cưới óc tức cưới liền, không chần chừ gì nữa.

Kể chuyện tiếng quê thế này, nếu gặp một người Phú Yên, dù còn trẻ, dù đang ở Sài Gòn, cũng rất có thể sẽ nghe một câu hỏi ngược: “Dẫy na?”. Dẫy na tức “Vậy à?”. Nếu mình giải thích thấy tạm tin thì nẩu sẽ nói là Dẫy hửng (Vậy sao/ Ra là vậy), còn nếu nẩu ngạc nhiên thì sẽ kêu lên Dẫy á (Vậy hả?). Sau khi nói đủ chuyện trên trời dưới đất rồi nẩu ra về, trước khi đi nẩu quay nói: Dẫy nghen (Vậy nghen).

Những tiếng quê thể hiện một phương ngữ cục bộ, địa phương tính, nhưng đồng thời cũng thể hiện cái hồn vía nhà quê. Mình về Phú Yên gặp chú Ba Lưu (nhà văn Ngô Phan Lưu) rủ đi uống rượu và nói chuyện văn chương chữ nghĩa, nói về cái kỷ luật tu sửa bản thảo, chú Ba Lưu rất đồng ý với mình: nhiều khi chỉ sửa một chữ là làm sáng cả trang văn. Chú Ba Lưu từng thức cả đêm để sửa một chữ “sáng” thành chữ “tỏ” trong câu: Không những nhớ chuyện, anh còn nhớ cả cái lưng còng, giọng nói hoang vu, nhớ đêm trăng tỏ, nhớ tấm chiếu rách giữa sân ngày xưa bà cháu vẫn ngồi (Cổ tích của nội). Trăng sáng thì ổn rồi, nhưng trăng tỏ hay hơn, quê kiểng hơn, mà lại hợp với giọng của nội hồi nẳm (hồi xưa) hơn.

Nhớ chuyện chú Ba Lưu lại nhớ nội quá, ước gì được trở về quê, vào dịp Tết, ngồi bên nồi bánh tét nghe nội kể chuyện ngày xưa...

TRẦN NHÃ THỤY

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Chuyển sao tặng cho thành viên

  • x1
  • x5
  • x10

Hoặc nhập số sao